TP HCM làm 2 dự án kết nối vùng hơn 12.000 tỷ đồng

HĐND TP HCM đồng ý cho xây nút giao An Phú và làm hạ tầng, cải thiện môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên từ năm 2021 để kết nối vùng.

Quyết định trên được HĐND TP HCM khóa IX thông qua tại kỳ họp 25, sáng 22/4, theo tờ trình của UBND thành phố. Đây là hai dự án trọng điểm mà TP HCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn để thi công giai đoạn 2021-2025 nhằm liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển và đã được Chính phủ chấp thuận.

Trong đó, dự án nút giao An Phú ở TP Thủ Đức có tổng mức đầu tư 3.926 tỷ đồng. Riêng chi phí xây dựng khoảng 2.600 tỷ đồng. Công trình được thiết kế 3 tầng, gồm: hầm chui hai chiều nối cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống; mặt đất sẽ xây các tiểu đảo, đảo tại các nút giao kết hợp đèn tín hiệu giao thông; trên cao sẽ xây hai cầu vượt.

TP HCM làm 2 dự án kết nối vùng hơn 12.000 tỷ đồng

Phối cảnh nút giao 3 tầng An Phú ở TP Thủ Đức với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải TP HCM.

Công trình khi hoàn thành sẽ giảm ùn tắc cho khu vực này vì hiện lượng xe qua đây rất đông; đồng thời nâng cao khả năng khai thác tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành khi sân bay Long Thành được xây dựng. Việc xây dựng nút giao cũng giúp đồng bộ với mở rộng tuyến cao tốc Long Thành lên 8 làm xe (giai đoạn 2) mà Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai.

Còn dự án xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên có tổng vốn 8.200 tỷ đồng. Trong đó, số tền xây dựng khoảng 6.400 tỷ đồng; 718 tỷ đồng đền bù mặt bằng, còn lại chi phí dự phòng và các khoản khác.

Công trình gồm các hạng mục xây bờ kè bêtông và đường dài gần 33 km dọc hai bờ kênh; nạo vét toàn tuyến kênh; làm mới và sửa chữa các cống ngang đấu nối ra kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên; xây 12 bến thuyền dọc kênh…

Dự án sẽ thoát nước, chống ngập cho 7 quận huyện (12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh); hình thành tuyến giao thông thủy – bộ kết nối TP HCM đi miền Tây; đi các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai (không đi qua trung tâm thành phố) nhằm giảm kẹt xe, phát triển du lịch và vận chuyển hàng hóa; góp phần chỉnh trang cho khu vực và giải quyết ô nhiễm.

Ngoài ra, dự án này được cho sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu dân trong lưu vực rộng gần 15.000 ha.

Công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (thuộc UBND TP HCM) làm chủ đầu tư và thực hiện giai đoạn 2021-2025.

Trả lời